Nuôi cá lồng kết hợp du lịch cho hiệu quả kinh tế cao

 Sở hữu căn nhà bè tại Vung Viêng - một làng chài nổi tiếng trên vịnh Hạ Long, công việc hàng ngày của anh Nguyễn Văn Lợi không chỉ là chăm sóc cá lồng bè mà còn giới thiệu, hướng dẫn cho du khách tham quan, trải nghiệm làm ngư dân.

 

Vật liệu nhựa HDPE được sử dụng làm lồng bè trên diện tích lớn ở Vân Đồn.

Nhà bè của anh Lợi thuộc mô hình nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường, kết hợp với du lịch có trách nhiệm được triển khai từ giữa năm 2016 từ nguồn tài trợ của dự án Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà. Ngư dân tham gia được hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật nuôi theo quy trình an toàn; nhà bè được làm từ vật liệu composit thân thiện với môi trường, sử dụng thức ăn công nghiệp chống ô nhiễm để giữ sạch nguồn nước. Anh Lợi cho biết, từ dịch vụ nuôi lồng bè và du lịch xanh, những ngư dân như anh có doanh thu gấp đôi, gấp 3 so với trước kia.

“Trước kia gia đình tôi cũng nuôi cá về sau lên bờ nhưng không làm được việc gì lại xin xuống biển để nuôi cá. Được tài trợ từ dự án nên giờ nuôi cá dễ hơn trước nhiều, chỉ phải bỏ tiền giống 30 triệu đồng là có mô hình làm kinh tế bền vững”, anh Lợi cho biết.

Tại huyện Vân Đồn - vùng nuôi trồng thủy sản lớn của Quảng Ninh, nhiều năm gần đây, vật liệu nhựa HDPE đã được sử dụng để làm lồng bè thay cho gỗ hay phao xốp.

Anh Nguyễn Sỹ Bình, chủ bè nuôi cá khu vực đảo Phất Cờ, huyện Vân Đồn cho biết, nhựa HDPE có tuổi thọ hơn 30 năm, không bị phá vỡ khi bão to gió lớn. Một lồng bè HDPE chu vi 60 mét vuông có thể nuôi đến 30 tấn cá mỗi vụ, tùy vào công nghệ nuôi có thể đạt tổng sản lượng gần 200 tấn/năm, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị kinh tế.

“Ngư dân mơ ước đảm bảo được thành quả lao động. Vật liệu nhựa HDPE chịu được sóng gió cấp 12, thân thiện và cải thiện môi trường. Từ tháng tới gia đình sẽ tăng lên 2.000 – 3.000 mét vuông rồi dần từng bước mở rộng, thay thế toàn bộ lồng bè bằng nhựa HDPE”, anh Bình chia sẻ.

Năm 2018, sản lượng nuôi trồng của ngành thủy sản Quảng Ninh đạt trên 58.000 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2017, diện tích nuôi trồng đạt hơn 21.000 ha, chủ yếu là nuôi trồng nước mặn và nước lợ, giá trị thu về gần 5.000 tỷ đồng.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản có sự chuyển dịch rõ nét bằng các mô hình bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp, áp dụng VietGAP, nhà kính, BioFloc, nuôi 2 giai đoạn, 3 giai đoạn. Người nuôi đã có sự chủ động đầu tư công nghệ, quy trình sản xuất, vật liệu, thức ăn và phòng chống dịch bệnh cho thủy sản, trong đó chú trọng phát triển nuôi tôm, cá biển có giá trị kinh tế cao và một số nhuyễn thể đặc thù như ngao, hàu, tu hài,...

Để "làm ăn lớn", Quảng Ninh đang đẩy mạnh diện tích nuôi trồng tập trung, thâm canh quy mô lớn gắn với hạ tầng đồng bộ, tận dụng lợi thế tự nhiên là hàng chục nghìn ha eo biển kín gió, rừng ngập mặn, bãi triều. Chế biến thủy sản theo hướng sản xuất công nghiệp, hàng hoá, gia tăng giá trị, chương trình "Mỗi xã phường một sản phẩm" (OCOP) cũng là một trong những hướng đi giúp nâng tầm thương hiệu thủy sản Quảng Ninh.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh với các sản phẩm ruốc trai, ruốc hàu cao cấp cho biết, doanh nghiệp có những định hướng lớn hơn đó là có thể xuất khẩu được các sản phẩm ra thị trường châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản.

“Chúng tôi cũng quyết tâm xây dựng nhà máy mới, có thể đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đến những thị trường khó tính nhất, đưa được sản phẩm đặc sản địa phương đến nhiều khách hàng hơn trong nước cũng như thế giới”, bà Hiền nói.

 

Mô hình nuôi cá lồng bè bằng vật liệu thân thiện môi trường kết hợp các dịch vụ du lịch mang lại sinh kế bền vững cho ngư dân trên vịnh Hạ Long.

Để tăng thêm nguồn lực mở rộng và nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, Quảng Ninh đã kết hợp với các nhà đầu tư tư nhân triển khai 2 dự án trung tâm giống thuỷ sản công nghệ cao có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, góp phần đảm bảo nguồn cung và chất lượng giống thủy sản, tránh tình trạng "cung không đủ cầu" như những năm trước.

Trong đó, Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp về thủy sản tại huyện Đầm Hà đã hoàn thiện giai đoạn 1, mẻ tôm giống đầu tiên ra thị trường trong tháng 3/2019 và sẽ cung cấp 8 tỷ con tôm giống/năm; Còn Dự án hạ tầng Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn hơn 300 ha cũng đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự kiến cuối 2020 các nhà đầu tư sẽ hoàn thiện hạ tầng đầu tư các trại giống, cung ứng cho người dân. Quy mô giống tối thiểu tỉnh yêu cầu là 1,5 tỷ giống nhuyễn thể, đáp ứng 70-80% nhu cầu giống nhuyễn thể, có thể chủ động giống nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian tới.

Với nhiều hướng đi khác nhau, ngành thủy sản Quảng Ninh đang phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu sản lượng nuôi trồng đạt 70.000 tấn, chiếm 55% tổng sản lượng vào năm 2020, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng thực sự bền vững./.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

< Trở lại