Nghiên cứu chế biến và sử dụng chế phẩm có nguồn gốc thảo dược bổ sung vào thức ăn cho lợn thịt nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

1. Mở đầu

Để không ngừng nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm trong chăn nuôi, các nhà khoa học chuyên ngành và cả người chăn nuôi đã và đang tích cực tìm kiếm nhiều giải pháp trên nhiều phương diện về sinh học, hoá học, lý học... Để nâng cao khả năng sinh trưởng và cho thịt của vật nuôi, trong thời gian qua, con người đã nghiên cứu và sản xuất ra nhiều loại chế phẩm sinh học bổ sung vào khẩu phần ăn nhằm kích thích sinh trưởng, đặc biệt dùng nhiều trong chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, hầu hết các chế phẩm này đều chứa hoạt chất chính là một số loại hormone kích thích sinh trưởng. Thực tế cho thấy, việc tồn dư các hormone này trong thịt vật nuôi đến một hàm lượng nào đó đã gây ra những hậu quả xấu tới sức khoẻ con người và vì vậy, nhiều loại chế phẩm đã bị cấm sản xuất và sử dụng. Trước thực tế đó, các nhà chuyên môn đã có những định hướng nghiên cứu mới, trong đó các loại thảo dược sẵn có ở các nước vùng nhiệt đới là một trong những đối tượng quan trọng (Phùng Thị Vân, Phạm Sỹ Tiệp, 2003).

Theo Đỗ Tất Lợi (1970), Ngô Bá Tĩnh (1975), Vũ An Chương và cs (1993), trong Đông y, có nhiều loại thảo dược được dùng phổ biến trong các bài thuốc bổ, có tác dụng tăng cường tiêu hoá, hấp thu các chất dinh dưỡng, giúp cho quá trình trao đổi chất được điều hoà và cân bằng. Trong đó có: Sử quân (Quisqualis indica L.sq) có tác dụng chính là diệt/tẩy giun trong đường tiêu hoá; Xa tiền (Plantago asiatica L.) có tác dụng lợi tiểu, ức chế một số loại vi khuẩn; Mạch nha (Maltum) có tác dụng bồi bổ, kích thích tiêu hoá; Sơn tra (Crataegus pinnatifida Bunge) có tác dụng chủ yếu trên bộ máy tiêu hoá, làm tăng khả năng tiêu hoá thức ăn và chữa tả lỵ; Thần khúc (Massa medicata Ferme) có tác dụng tiêu thực, hành khí, kiện tỳ, dưỡng vị, dùng chữa các bệnh ăn uống không tiêu, nôn mửa, đi ỉa lỏng, lỵ, làm lợi sữa; Ngưu tất (Achyran thes bidentata Blume) có tác dụng phá huyết, hành ứ (sống), bổ can thận, mạnh gân cốt.

Với những liều lượng thích hợp, các vị thuốc trên sẽ kết hợp với nhau tạo thành hỗn hợp mang tính bình, giúp cho việc tăng cường hoạt tính của các men tiêu hoá và quá trình trao đổi chất trong ruột non, đồng thời làm giảm hoạt tính của các vi khuẩn gây thối ở ruột gà, do đó có thể giảm mùi hôi của phân, nước tiểu của người và gia súc.

Việc nghiên cứu chế biến và sử dụng có hiệu quả những chế phẩm có nguồn gốc từ thảo dược sẵn có, hạ giá thành sản phẩm, mang thương hiệu trong nước để bổ sung vào khẩu phần ăn của vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi là rất cần thiết và là đòi hỏi của sản xuất hiện nay. 

 2. Phương pháp

2.2. Đối tượng

- Một số loại dược thảo sẵn có ở Việt Nam có khả năng tạo thành chế phẩm.

- Lợn choai (20-50kg)

2.2. Nội dung

- Nghiên cứu công thức điều chế các chế phẩm gồm tỷ lệ các thảo dược khác nhau

- Nghiên cứu hiệu quả sử dụng các chế phẩm (CP) dùng nuôi lợn ngoại cho thịt (từ 20 đến 50 kg) trong điều kiện chăn nuôi công nghiệp tại hộ nông dân

2.3. Phương pháp

2.3.1. Điều chế chế phẩm

+ Các nguyên liệu thảo dược sau khi được làm khô rồi tán nhỏ thành dạng bột mịn. Các tỷ lệ phối hợp khác nhau của các nguyên liệu đã hình thành 3 chế phẩm và được thí nghiệm trên đàn lợn nuôi thịt. Từ kết quả thu được, chọn 1 chế phẩm có hiệu quả nhất để khuyến cáo làm chất bổ sung vào thức ăn cho lợn ngoại nuôi công nghiệp trong nông hộ nhằm tăng khả năng sinh trưởng, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

+ Đánh giá cảm quan và phân tích thành phần hoá học của các chế phẩm

- Về cảm quan: đánh giá mùi vị, màu sắc, độ mịn

- Lấy mẫu để phân tích: với mỗi chế phẩm, sau khi các nguyên liệu được tán thành bột mịn và trộn đều, được lấy ngẫu nhiên, gửi phân tích (tại phòng thí nghiệm Trung tâm ĐHNL Thái Nguyên và phòng phân tích Viện Công nghiệp Thực phẩm - 62 Nguyễn Trãi - Hà Nội).

- Thành phần hoá học được phân tích: hàm lượng đạm, mỡ, xơ, khoáng (đa lượng, vi lượng); saponine

2.3.2. Nghiên cứu hiệu quả sử dụng các chế phẩm thảo dược trong chăn nuôi lợn thịt

(*) Bố trí thí nghiệm: Sử dụng 72 lợn thịt giồng ngoại (20-50kg), chia làm 4 lô: 3 lô thí nghiệm (TN) và 1 lô đối chứng (ĐC). Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp phân lô so sánh, lặp lại 3 lần, ở mỗi lần lặp lại, mỗi lô gồm 6 con (3 đực + 3 cái), giữa các lô đảm bảo đồng đều về giống, tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện chuồng trại, thức ăn và kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng. Sơ đồ bố trí thí nghiệm được ghi trong bảng 1

Bảng 1: Sơ đồ bố trí thí nghiệm

 

Nội dung

Lô TN1

Lô TN2

Lô TN3

Lô ĐC

Số lợn TN/lô (con)

18

18

18

18

Tỷ lệ đực/cái

9/9

9/9

9/9

9/9

Khối lượng lợn vào TN (kg)

22,1±0,75

21,2±0,81

21,6±0,62

22,2±0,32

Số ngày thí nghiệm (ngày)

45

45

45

45

Chế phẩm bổ sung cho lợn TN

CP1

CP2

CP3

-

 

+ Lợn trong cả 4 lô được nuôi bằng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, có năng lượng trao đổi ME 3100 Kcal, và protein thô là 16%.

+ Các lô TN1, TN2 và TN3 được bổ sung (tương ứng) CP1, CP2 và CP3. Lô Đ/C: không bổ sung chế phẩm.

+ Thời gian thí nghiệm: 45 ngày: từ sau 60 ngày tuổi (khoảng 20kg/con) đến 105 ngày tuổi (khoảng 50 kg/con)

+ Lượng thức ăn thí nghiệm: 1000g chế phẩm/tấn thức ăn, trộn ở dạng khô mỗi lần trộn cho 50-100 kg thức ăn hỗn hợp

(*) Nội dung theo dõi

- Tăng khối lượng cơ thể/ngày (g)

- Tiêu tốn thức ăn/kg khối lượng cơ thể (kg)

(*) Phương pháp theo dõi

- Cân gia súc thí nghiệm vào buổi sáng (trước khi cho ăn và dọn vệ sinh)

- Xác định khối lượng cơ thể, tiêu tốn thức ăn bằng các phương pháp thông dụng trong chăn nuôi.

(*) Xử lý số liệu

Các số liệu nghiên cứu được xử lý bằng toán thống kê sinh vật trên chương trình Minitab standard version 12.21.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Điều chế các chế phẩm từ nguồn gốc thảo dược sẵn có ở Việt Nam

Với yêu cầu là chế phẩm phải mang tính bình, có mùi, vị thơm ngon đối với lợn và gia cầm. Các chế phẩm đều được điều chế từ các nguyên liệu với các tỷ lệ khác nhau, có thành phần và đặc điểm như tại Bảng 2.

Bảng 2: Thành phần và đặc điểm các chế phẩm đã được lựa chọn

 

Tên nguyên liệu

Tỷ lệ (%) các nguyên liệu thành phần trong chế phẩm

CP1

CP2

CP3

Mạch nha

25

25

25

Sơn tra

12

15

17

Thần khúc

17

20

22

Sử quân

3

5

8

Xa tiền

3

5

8

Ngưu tất

40

30

20

Giá thành/kg chế phẩm (đ)

66.100

67.900

69.700

Chỉ tiêu cảm quan

Màu nâu sẫm, mùi thơm, bột mịn, hơi ngọt

Màu nâu nhạt, mùi thơm, bột mịn, hơi ngọt

Màu hơi trắng, mùi thơm, bột mịn, hơi ngọt

 

Qua bảng 2 nhận thấy, các chế phẩm đều gồm có 2 phần chính: các vị thuốc có tác dụng giúp cho cơ thể tăng cường khả năng tiêu hoá, hấp thu các chất dinh dưỡng, đồng thời hạn chế hoạt tính của các vi khuẩn lên men thối trong đường ruột của lợn được duy trì bởi tỷ lệ không đổi của mạch nha, sơn tra, thần khúc và các vị thuốc có tác dụng hấp thụ NH3 ngay trong đường ruột của lợn với sự có mặt của sử quân, xa tiền và ngưu tất với các tỷ lệ khác nhau. Giá thành/kg chế phẩm từ 66.100 đến 69.700 đồng. Về các chỉ tiêu cảm quan (màu sắc, mùi vị, độ mịn) đảm bảo không ảnh hưởng đến tính thèm ăn của lợn.

Bảng 3: Thành phần hoá học của các chế phẩm (*)

 

Thành phần hoá học

Đơn vị tính

Tỷ lệ (%)

CP1

CP2

CP3

Độ ấm

%

13,63±0,02

13,10±0,03

13,31±0,18

Protein (trong VCK)

%

1,74±0,12

1,24±0,05

1,21±0,08

Mỡ thô (trong VCK)

%

2,06±0,10

2,03±0,09

2,11±0,12

Xơ thô (trong VCK)

%

8,45±1,17

8,56±1,43

9,02±1,39

Ca (trong VCK)

%

0,47±0,08

0,25±0,05

0,30±0,04

P (trong VCK)

%

1,78±0,23

2,01±0,11

2,25±0,15

Saponine (trong VCK)

mg/kg

248,5a±6,05

212,9ab±8,25

176,4b±5,82

 

Ghi chú: (*) Phân tích được tiến hành tại Phòng thí nghiệm Trung tâm ĐHNL Thái Nguyên và Phòng phân tích Viện Công nghiệp thực phẩm - 62 Nguyễn Trãi - Hà Nội.

               (*) Theo hàng ngang, các số liệu có chữ cái khác nhau là khác rõ rệt với P<0,05

Về thành phần hoá học của các chế phẩm (Bảng 3), không có sai khác rõ rệt giữa các chế phẩm ở tất cả các chỉ tiêu như protein, mỡ thô, xơ thô, Ca và P. Tuy nhiên hàm lượng saponine dao động từ 176,4 đến 248,5 mg/kg chế phẩm và khác nhau rõ rệt giữa CP1 với CP3 (P<0,05).

3.2. Ảnh hưởng của các chế phẩm có nguồn gốc thảo dược đến năng suất chăn nuôi lợn thịt công nghiệp

Kết quả nghiên cứu bổ sung các chế phẩm CP1, CP2 và CP3 vào thức ăn cho lợn choai, giống ngoại giai đoạn từ 20-50 kg được thể hiện qua bảng 4:

Bảng 4: Ảnh hưởng của việc bổ sung các chế phẩm vào thức ăn đến năng suất lợn thịt

 

Chỉ tiêu

Lô 1 (n=15) (CP1)

Lô 2 (n=15) (CP2)

Lô 3 (n=15) (CP3)

Lô ĐC (n=15) (TAHH)

(x±mx)

(x±mx)

(x±mx)

(x±mx)

Khối lượng bắt đầu (kg)

22,1 ± 0,75

21,2 ± 0,81

21,6 ± 0,62

22,2 ± 0,32

Khối lượng kết thúc (kg)

51,3 ± 1,43

51,6 ± 1,09

50,9 ± 1,57

51,3 ± 2,01

Số ngày nuôi (ngày)

45

45

45

45

Khả năng thu nhận thức ăn (kg/con/ngày)

1,57 ± 0,13

1,59 ± 0,19

1,60 ± 0,25

1,68 ± 0,12

Tăng khối lượng cơ thể (g/ngày)

648,8ab±2,12

675,3a±2,34

650,6ab±2,57

646,6b±3,11

Tiêu tốn thức ăn (kg)

2,43ab±0,56

2,36a ± 0,12

2,47ab ± 0,42

2,61b ± 0,15

Tỷ lệ mắc bệnh đường tiêu hoá (%)

0

0

6,6

13,3

Chi phí TA/kg tăng khối lượng cơ thể (đồng)

8.665

8.414

8.815

9.135

 

Ghi chú: (a, b…) trong cùng hàng ngang, các giá trị có số mũ là những chữ cái khác nhau thì có sự sai khác thống kê rõ rệt (P<0,05)

Số liệu ở bảng 4 cho thấy, không có sai khác rõ rệt về khả năng thu nhận thức ăn/ngày giữa các lô thí nghiệm và đối chứng, chứng tỏ mùi vị và màu sắc của các chế phẩm bổ sung vào thức ăn không gây ảnh hưởng đến tính thèm ăn và ngon miệng của lợn thí nghiệm. Các chỉ tiêu tăng khối lượng cơ thể và tiêu tốn thức ăn (TTTA) của các lô lại có sự khác nhau: các lô TN 1, 2, 3 có tăng khối lượng cơ thể tương ứng 648,8; 675,3; 650,6 g/ngày và TTTA tương ứng là 2,43; 2,36; 2,47 kgTA/kg tăng khối lượng cơ thể, trong đó lô TN2 có tăng khối lượng cơ thể cao nhất (675,3 g/ngày) và TTTA thấp nhất (2,36 kg). Tuy nhiên, sự sai khác giữa các lô TN với nhau không có ý nghĩa thống kê sinh học (P>0,05).

So sánh với lô đối chứng (không sử dụng chế phẩm), lô TN2 (sử dụng CP2) có tăng khối lượng cơ thể/ngày cao hơn 4,42% và TTTA/kg tăng khối lượng cơ thể thấp hơn 9,58% và chi phí TA/kg tăng khối lượng cơ thể giảm 7,89%. Sự sai khác này là rõ rệt với P<0,05.

Kết quả của chúng tôi đạt được tương đương với Flaoyen-A; Wilkins (1990); Nguyễn Đăng Vang và Trần Quốc Việt (1999); Rom-HB và cs (2000), theo đó bổ sung Micro-Aid vào thức ăn cho lợn sau cai sữa và lợn choai với liều lượng 100-120ppm đã góp phần nâng cao năng suất sinh trưởng ở lợn thịt một cách rõ rệt; ADG tăng 3,2 - 8,6%; tiêu tốn thức ăn giảm 4,0-6,5%.

4. Kết luận

- Từ các nguyên liệu là nguồn dược thảo sẵn có ở trong nước, có thể sản xuất được chế phẩm làm chất bổ sung vào thức ăn cho lợn nuôi thịt, nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi; tăng khả năng sinh trưởng của lợn, giảm tiêu tốn thức ăn, giảm tỷ lệ mắc bệnh đường tiêu hoá của lợn.

- Tỷ lệ phối chế các loại nguyên liệu khác nhau trong các chế phẩm đã cho những hiệu quả khác nhau. Trong đó, chế phẩm CP2 đã cho hiệu quả tốt nhất, lợn nuôi thịt có khả năng tăng khối lượng cao hơn, tiêu tốn thức ăn và chi phí thức ăn cho 1 kg tăng khối lượng thấp hơn so với các chế phẩm CP1, CP3 và đối chứng.

 

 Phạm Sỹ Tiệp (Viện Chăn nuôi), Nguyễn Văn Bình 2 (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) - Tạp chí chăn nuôi

< Trở lại