Từ nuôi quảng canh, tự phát…
Là khu vực trũng nhất của thị xã Hồng Ngự, nên đến nay nhiều diện tích đất trong xã Bình Thạnh chưa có đê bao bảo vệ vững chắc. Hằng năm, mỗi khi mùa lũ về, nhiều cánh đồng nơi đây mực nước ngập rất sâu. Tận dụng lợi thế có nguồn nước phong phú này, ngay từ những năm 2006 - 2007, một số nông dân đã tự phát nuôi tôm càng xanh.
Ông Trần Văn Tâm, ngụ ấp Bình Thạnh, có 0,6 ha ruộng sản xuất mỗi năm hai vụ lúa. Từ năm 2007 ông chuyển sang nuôi tôm vào mùa lũ giữa hai vụ lúa. Năm đầu tiên ông bao lưới 0,6 ha đất nhà thả nuôi 84.000 con tôm giống, sau gần năm tháng nuôi ông thu hoạch được 1,2 tấn, bán giá bình quân 90.000đ/kg, ông lãi hơn 60 triệu đồng. Năm sau, ông thuê thêm 0,4 ha đất kề bên thả nuôi 140.000 con giống, vụ này ông thu được hơn 1,6 tấn, lời hơn 80 triệu. Sang năm 2009 ông tiếp tục thắng lợi khi quyết định mở rộng thêm điện tích và thả nuôi 300.000 con giống, cuối vụ ông lời gần 120 triệu.
Thạc sĩ Nguyễn Huấn, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự cho biết, đến thời điểm năm 2009, toàn thị xã có gần 75 ha nuôi tôm trên chân ruộng lúa trong mùa nước nổi với hai mô hình: một vụ lúa Đông Xuân - một vụ tôm ở xã An Bình A và hai vụ lúa – một vụ tôm ở xã Bình Thạnh. So sánh hai mô hình cho thấy, mô hình 2 vụ lúa – một vụ tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cắt chu kỳ dịch bệnh. Ngoài ra, việc bắt ốc bươu vàng làm thức ăn cho tôm cũng góp phần tạo thêm công ăn chuyện làm và thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây vào mỗi mùa lũ về.
Từ thực tế trên, trong mũi nhọn nuôi trồng thủy sản là chủ lực, thị xã Hồng Ngự đã xác định com tôm càng xanh mùa nước nổi là thế mạnh thứ hai sau con cá tra.
Năm 2010, ngành nông nghiệp thị xã đã tiến hành rà soát và quy hoạch xong vùng nuôi tôm càng xanh trong đê bao lửng (đê bao chỉ cao hơn mặt ruộng khoảng 1,2 m) mùa nước nổi tại khu vực xã Bình Thạnh, xây dựng xong tuyến đường giao thông nối quốc lộ 30 vào vùng nuôi, đồng thời kéo điện ba pha dài hơn 3 km phục vụ cho các hộ nuôi tôm.
… đến nuôi thâm canh, có quy hoạch
Đến vụ nuôi năm 2012 vừa qua, toàn thị xã Hồng Ngự thả nuôi gần 160 ha, đây là vụ thả nuôi nhiều nhất từ trước đến nay, trong đó xã Bình Thạnh nuôi trên 120 ha. Tuy nhiên, do gặp phải lũ nhỏ và lên chậm nên đa số các hộ nuôi đều không có lời, thậm chí có hộ bị thua lỗ nặng.
Tại xã Bình Thạnh, do vụ tôm năm rồi không thắng lợi nên năm nay người nuôi thu hẹp diện tích, toàn xã chỉ còn 33 hộ nuôi với diện tích trên dưới 107 ha.
Theo sự hướng dẫn của UBND xã Bình Thạnh, chúng tôi tới thăm vuông nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Tính, ở ấp Bình Thạnh A, là người nuôi tôm nhiều nhất xã từ ba năm nay.
Anh Tính cho biết, vụ nuôi năm 2011 anh thả 1,1 triệu con giống trên diện tích 10 ha đất nhà, cuối vụ anh thu hoạch được khoảng 12 tấn tôm các loại, tính ra anh lời gần 1,3 tỷ đồng sau hơn năm tháng nuôi.
Năm sau, 2012, anh tăng diện tích nuôi lên 14 ha, thả nuôi thưa hơn chỉ một triệu con giống. Nhưng cũng như nhiều hộ nuôi khác trong khu vực, do mực nước lũ thấp, nguồn nước không tốt, lại về quá trễ, tôm từ ao đưa lên ruộng chỉ hơn một tháng là phải rút nước xuống giống lúa Đông - Xuân nên phải thu hoạch sớm, vụ này anh Tính chỉ thu được trên dưới bảy tấn, do tôm xấu không có loại I nên cân tôm xô (không phân loại - NV) giá chỉ 120.000đ/kg, tính ra anh chỉ huề vốn, “nếu không nhờ có đê bao lửng thì vụ nuôi năm rồi chắc tôi bị lỗ nặng”, anh Tính cho biết thêm. Do sợ năm nay lũ nhỏ như năm rồi nên anh Tính chỉ thả nuôi bảy ha với 700.000 con giống. Anh Tính nhận định: “Lũ năm nay vừa lớn, vừa về sớm nên tôm lên ruộng dài ngày, phát triển tốt, tôm thành phẩm sẽ đẹp và bán giá sẽ cao… với tình hình thuận lợi như thế này chắc chắn vụ nuôi năm nay sẽ thắng đậm”. Hơn một tuần nay, anh Tính bắt đầu thu tỉa tôm trứng bán dần với giá mỗi kg hơn 120.000đ.
Ông Nguyễn Đại Hàn, cán bộ khuyến nông - khuyến ngư xã Bình Thạnh cho biết, trong số 107 ha nuôi tôm toàn xã đã có hơn 70 ha có đê bao lửng. Những năm trước, để khuyến khích nông dân nuôi tôm trong mùa lũ, ngành nông nghiệp thị xã Hồng Ngự đã hỗ trợ người nuôi về con giống và kỹ thuật. Từ năm 2010 đến nay, sau khi quy hoạch xong vùng nuôi, nhà nước chuyển sang khuyến khích nông dân lên đê bao lửng với mức hỗ trợ 60% chi phí.
Theo Tạp chí Thủy sản Việt nam